Góc nhìn về nghề Luật sư qua… phim TVB

Nghề Luật sư: Một góc nhìn từ phim TVB

Từ phim… “Thưa ngài Thẩm phán” (Hong Kong, 2018)

“TUÂN THỦ PHÁP LUẬT MẶC NHIÊN QUAN TRỌNG, NHƯNG KHÔNG LÀM ĐIỀU GÌ TRÁI VỚI LƯƠNG TÂM CỦA MÌNH CÀNG QUAN TRỌNG HƠN”

Bộ phim “Thưa ngài Thẩm phán” của TVB, tuy bối cảnh Hong Kong nhưng phản ánh rất chân thật, gần gũi về nghề luật sư, nhất là đối với các luật sư trẻ mới vào nghề. Bộ phim không nhiều vụ án quá kịch tích nhưng phản ánh chân thật nhiều góc cạnh về nghề Luật sư.

1. Mối quan hệ đặc biệt giữa Thầy và Trò trong nghề Luật sư
Khác với những ngành nghề khác, muốn hành nghề Luật sư phải có “sư phụ” dẫn dắt để học nghề, thành nghề và hành nghề.
Phim Hong Kong luôn khắc họa rất rõ nét mối quan hệ Thầy – Trò trong nghề luật sư. (Ở Việt Nam, muốn trở thành Luật sư cũng bắt buộc phải có Luật sư hướng dẫn trong thời gian tập sự – cũng là quan hệ Thầy – Trò vậy).
Trong phim, hai Đại luật sư Phạm Tiểu Vũ và Nhiêu Lực Hoành là hai đệ tử của Luật sư Cừ, cùng thành danh trong giới luật pháp ở Hong Kong. Cuối đời, luật sư Cừ gặp nhiều bất hạnh trong chuyện gia đình và sức khỏe, từ Anh Quốc trở lại Hong Kong và bị mù. Hai người học trò đã rất mực kính trọng, thương yêu, dành sự chăm sóc đặc biệt đối với người Thầy của mình.
Lại nói về quan hệ Thầy – Trò, lúc đầu, Luật sư Phạm theo nhầm thầy. Hai thầy trò đã có bất đồng và người thầy đó đã không ký xác nhận hồ sơ tập sự cho Luật sư Phạm, làm cho con đường trở thành Luật sư của Luật sư Phạm bị trễ nãi và gặp nhiều khó khăn (trong thời gian tập sự, học nghề không có lương). Tuy vậy, sau này người Thầy này cũng gặp khó khăn và nhờ Luật sư Phạm biện hộ. Mặc dù còn nhiều bất đồng và thậm chí oán giận người thầy cũ nhưng Luật sư Phạm vẫn ra sức biện hộ cho thầy cũ. Và tất nhiên, người thầy cũ cũng đã rất hối hận về việc gây ra không ít khó khăn trên con đường trở thành luật sư của chính học trò mình.
Luật sư Phạm cũng có hai đệ tử: Luật sư Đặng Đại Chí và Luật sư Huỳnh Đồng. Mặc dù đã là Đại Luật sư nhưng vẫn nhờ sự giúp đỡ rất lớn của Thầy là Luật sư Phạm, như cùng thuê lại Văn phòng của Thầy, nhờ Thầy giới thiệu khách hàng, nhờ thầy “chỉ điểm”, động viên,…
Các mối quan hệ Thầy – Trò được thể hiện trong phim phản ánh mối quan hệ đặc biệt giữa Thầy và Trò trong ngành Luật. Đó là sự dìu dắt, giúp đỡ của luật sư “sư phụ” với luật sư “đệ tử” và ngược lại là sự trân trọng, tri ân của luật sư “đệ tử” đối với luật sư “sư phụ”. Thế mới nói, chọn thầy để học là một trong những lựa chọn quan trọng của cuộc đời, nhất là đối với luật sư trong việc học nghề, thành nghề và hành nghề.

2. Nghề Luật sư: con đường đầy khó khăn, nhất là đối với luật sư trẻ
Bộ phim khắc họa rõ nét hai thế hệ Luật sư trong cùng một bối cảnh. Đó là thế hệ luật sư tiền bối, đã thành danh với nghề như Đại Luật sư uy tín Nhiêu Lực Hoành, Đại Luật sư Phạm Tiểu Vũ,… Và thế hệ luật sư hậu bối, thế hệ luật sư “đệ tử”, luật sư trẻ mới vào nghề, như: Đặng Đại Chí, Huỳnh Đồng, Triệu Kim Thủy, Hạ Tâm Ninh, Luật sư Bố,… Nếu như các Đại Luật sư thành danh có cuộc sống rất thượng lưu, nhiều khách hàng, thù lao đến 07 con số (tiền Hong Kong) thì các luật sư trẻ gặp không ít khó khăn, trở ngại khi mới vào nghề.
2.1. Khó khăn lớn nhất của luật sư trẻ là thiếu kinh nghiệm, chưa có được niềm tin của Khách hàng.
Điều này được thể hiện ngay từ Tập 1 qua lời của Luật sư Chí: “Học hành khổ sở đã đành rồi, tương lai sau khi tốt nghiệp so với hy vọng trước đó quả thật khoảng cách rất là lớn”; “Học luật xong, đến khi thật sự ra ngoài làm, mới phát hiện ra bản thân chưa học cái gì hết, cái gì cũng làm lại từ đầu”. Chưa hết, Luật sư Chí còn bị thân chủ đổi Luật sư ngay tại phiên Tòa bởi vì không tin tưởng Luật sư Chí.
Tương tự, Luật sư Huỳnh Đồng, Triệu Kim Thủy, Luật sư Bố cũng rất khó khăn trong việc tìm kiếm Khách hàng, có được niềm tin của Khách hàng. Họ phải nhận những vụ án với thù lao rất thấp để có việc làm; phải nhận giới thiệu các vụ án qua trung gian,… Như Luật sư Bố, còn bị trung gian ép giá, lấy thù lao của Khách 80 ngàn nhưng chỉ trả cho Luật sư bố 5 ngàn!!!
Tuy vậy, với sự nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của thầy, đồng nghiệp,… họ cũng dần dần thành công hơn, thắng lợi trong một số vụ án, có được niềm tin của Khách hàng.
2.2. Vì khó khăn trong việc kiếm khách nên các luật sư trẻ cũng rất khó khăn trong thu nhập, cuộc sống.
Như trên đã nói, Luật sư Đặng Đại Chí và Luật sư Huỳnh Đồng dù đã là Đại Luật sư nhưng vẫn chưa thể hoàn toàn tự lập để hành nghề, chưa thể thuê riêng văn phòng mà phải cùng nhau thuê một phòng trong Văn phòng của Thầy mình để hành nghề, cùng “chia sẻ” chi phí thuê văn phòng, nhờ Thầy giới thiệu khách.
Còn Luật sư Triệu Kim Thủy, cũng thuê lại một góc Văn phòng của Luật sư Nhiêu để hành nghề. Để cố gắng kiếm khách, anh cũng đã cố gồng mình lên mà “thể hiện”. Để có những bộ suits hào nhoáng xứng với cái nghề luật sư, anh ta thường xuyên mượn, thuê đồ của các shop (mặc thử đi làm) chứ không đủ tiền để mua.
Còn Luật sư Huỳnh Đồng, Hạ Tâm Ninh, Luật sư Bố, vì mới vào nghề, chưa có uy tín, thu nhập chưa cao,… đều phải ở nhà thuê. Bối cảnh Hong Kong cũng như ở Tp. HCM vậy, đất chật, người đông, giá bất động sản cao, rất khó để mua nhà.
Thảm nhất có lẽ là Luật sư Bố (không nhớ rõ tên). Luật sư này cũng là đại luật sư (luật sư tranh tụng – barrister) nhưng không thuê nổi một văn phòng! Anh này chỉ thuê chỗ để gắn biển tên, chủ yếu phải vào thư viện công cộng để làm việc. Ban đầu cũng không có khách, sau đó mới nhận được một số vụ kiểu “luật sư chỉ định” với thù lao rất thấp.
Tuy vậy, với quyết tâm theo nghề, họ vẫn giữ niềm tin và lạc quan, chấp nhận cuộc sống khổ cực để theo nghề. Họ cũng nắm bắt xu thế hành nghề mới, như Luật sư Hạ Tâm Ninh, luật sư Bố, còn học thêm về hòa giải để nâng cao khả năng hành nghề.
Cho nên, không phải ai làm luật sư cũng kiếm được tiền, không phải luật sư là giàu đâu! Không phải luật sư nào cũng khoác lên mình những bộ suits bóng bẩy và sống cuộc sống giàu có. Tất cả đều phải có sự rèn luyện, phấn đấu và thời gian. Như Luật sư Phạm nói với Luật sư Chí, 03 năm sau con đường hành nghề sẽ bằng phẳng hơn, 20 năm sau cũng sẽ biện hộ trong những vụ án mà thân chủ sẵn sàng trả 07 con số (tiền Hong Kong),… Điều đó cũng cho thấy Luật sư trẻ cũng không thể nóng vội, phải phấn đấu lâu dài với nghề mới có thể có thành tựu.
Bạn có thấy bóng dáng mình trong những luật sư trẻ này?

3. Quan điểm hành nghề Luật sư: Tuân thủ luật pháp và gìn giữ lương tâm
Quan điểm hành nghề Luật sư được thể hiện qua lời dạy của Luật sư Cừ đối với hai học trò của mình là Đại Luật sư Nhiêu và Đại Luật sư Phạm: “Tuân thủ pháp luật mặc nhiên quan trọng, nhưng không làm điều gì trái với lương tâm của mình càng quan trọng hơn”.
Tuân thủ luật pháp mặc nhiên quan trọng là điều không phải bàn cãi. Nguyên tắc hành nghề của Luật sư ở Việt Nam cũng thế: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư; sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng,….


Tuy nhiên, nói đến “lương tâm” của luật sư trong việc hành nghề là một điều không dễ bàn. Nhất là trong việc lựa chọn phải thắng kiện bằng mọi giá, với những thủ pháp hành nghề “đặc biệt”, hay là chấp nhận thua kiện để không bước qua những ranh giới mong manh để giữ cái mà mình gọi là lương tâm? Thắng kiện bằng mọi cách có phải là không có lương tâm? Phải chăng lương tâm chính là lợi ích lớn nhất của thân chủ, nếu thắng kiện cho thân chủ thì chính là có lương tâm vậy? Đó chính là những vấn đề đặt ra về quan điểm hành nghề, thủ pháp hành nghề của Luật sư Nhiêu và Luật sư Phạm trong phim.
Trong phim, có cuộc trò chuyện của Luật sư Phạm và Luật sư Nhiêu về vấn đề này. Họ cùng bảo vệ các bị cáo khác nhau trong cùng một vụ kiện, Luật sư Nhiêu đã bảo vệ theo hướng “đẩy hết tội trạng” cho thân chủ của Luật sư Phạm và cuối cùng thân chủ của Luật sư Nhiêu được tuyên vô tội còn thân chủ của Luật sư Phạm bị tuyên “tội danh thành lập” và bị ở tù, mẹ mất và sau này anh này cũng tự tử do không chờ đợi được đến ngày kháng án. Luật sư Phạm đã nhắc lại lời dạy của thầy và có ý trách Luật sư Nhiêu. Tuy nhiên, Luật sư Nhiêu hướng đến lợi ích tối đa của thân chủ và anh cũng nói: “Được thôi, cứ như anh có lương tâm, còn tôi không có”. Vậy cuối cùng, lương tâm của Luật sư là ở đâu? Vấn đề này, có lẽ mỗi luật sư sẽ có câu trả lời khác nhau.
Liên quan đến quan điểm hành nghề, phải kể đến thủ pháp hành nghề “vua kéo dài” của Đại Luật sư Tăng Thụ Hùng trong phim. Tuy thuộc thế hệ tiền bối, nhưng đối đầu với Luật sư trẻ Huỳnh Đồng, vị Luật sư này giở những chiêu trò như không cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin; kéo dài vụ án bằng việc đặt những câu hỏi không liên quan đến vụ án,… Ông ta cố tình kéo dài vụ án để tăng tiền thù lao! Cuối cùng, bị Tòa phạt chịu trả một phần án phí do kéo dài vụ án! Lại nghĩ đến thực tiễn tố tụng Việt Nam, chắc không ít Luật sư cũng có những thủ pháp hành nghề kéo dài vụ án vì những lý do khác nhau nhau nhỉ?!

4. Văn hóa Công ty Luật
Bộ phim cũng phản ánh về văn hóa Công ty Luật. Đó là những bất đồng nội bộ về văn hóa công ty tại Văn phòng Luật sư Mộc và Văn phòng Luật sư Nhiêu.

Văn phòng Luật sư Mộc thì có truyền thống “trọng nam khinh nữ” do khách hàng hay chọn Luật sư nam. Luật sư Hạ Tâm Ninh là luật sư nữ hiếm hoi được tuyển dụng sau này. Tại đây, cũng xảy ra vụ việc “ma cũ” ăn hiếp “ma mới” đến mức Luật sư này đã phải nghỉ việc. Tuy nhiên, sau đó vấn đề cũng được giải quyết, Luật sư điều hành đã mời Luật sư Hạ về làm việc lại và tiếp thu những góp ý của cô để xây dựng văn hóa công ty.

Không phù hợp về văn hóa công ty luật, còn có trường hợp Luật sư Giả tại Văn phòng Luật sư Nhiêu. Cô này hay nói xấu người khác, gặp người này thì hay nói xâu người kia, lôi kéo bè phái, đòi giành quyền điều hành từ Luật sư Nhiêu,… nhưng cuối cùng người không phù hợp nhất mới chính là người bị buộc phải ra đi.

5. Phải chăng Luật sư là không trọn vẹn trong chuyện tình cảm?
(Trong tiêu đề trên có dấu hỏi).
Không biết sao nhưng bộ phim phản ánh một điều là đã là luật sư thì có vẻ đời sống tình cảm khó trọn vẹn. Ngay như Luật sư Cừ, sư phụ của Luật sư Phạm và Luật sư Nhiêu, cuối đời cũng có tranh chấp với con cái, về Hong Kong sống một mình trong cảnh mù lòa.
Luật sư Phạm cũng không có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Luật sư Nhiêu cũng chia tay vợ. Luật sư Chí – đệ tử của Luật sư Phạm – cũng không hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân. Dường như các Luật sư trong phim đều khó trọn vẹn chuyện tình cảm.
Phải chăng, Luật sư có thù với thần tình ái?

About Kiều Anh Vũ

Attorney at Law, HCMC, Vietnam | vu@kavlawyers.com | (+84) 949 761 861
Bài này đã được đăng trong Góc nhìn pháp lý và được gắn thẻ , , , , , , , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.